Nhảy tới nội dung

Thánh Kinh

Câu Gốc

“Cả Thánh Kinh đều là bởi Đức Chúa Trời soi dẫn, có ích cho sự dạy dỗ, bẻ trách, sửa trị, dạy người trong sự công bình, hầu cho người thuộc về Đức Chúa Trời được trọn vẹn và sắm sẵn để làm mọi việc lành.” (2 Ti-mô-thê 3:16, 17)

“Người ta sống chẳng phải chỉ nhờ bánh mà thôi, song nhờ mọi lời nói ra từ miệng Đức Chúa Trời.” (Ma-thi-ơ 4:4)

Dẫn nhập

Muốn biết một người hay muốn hiểu một người, chúng ta cần có sự giao tiếp kề cận với người đó, hay có một người khác đã gặp và nói về người đó cho chúng ta biết. Nhưng Thiên Chúa Toàn Năng không phải là một con người xác thịt thì làm sao chúng ta gặp được, hay có người nào gặp được để nói lại cho chúng ta biết? Trừ phi chính Thiên Chúa bày tỏ về Ngài cho chúng ta.

Qua thiên nhiên là vật thọ tạo chúng ta có thể hiểu đại cương về quyền năng của Thiên Chúa. Nhưng Thiên Chúa còn bày tỏ về chính Ngài và ý muốn của Ngài cho nhân loại qua các tôi tớ của Ngài là các đấng tiên tri hay các sứ đồ. Những sự bày tỏ đó được ghi chép lại thành Thánh Kinh, được gọi là Lời của Ngài, để truyền đạt đến cho chúng ta.

Thánh Kinh, Cựu Ước và Tân Ước, là Lời của Thiên Chúa được chép xuống bởi những người thánh của Ngài. Họ viết và nói qua sự khải thị của Đức Thánh Linh. Thiên Chúa ban cho những sự hiểu biết cần thiết liên quan đến sự cứu rỗi qua Thánh Kinh. Thánh Kinh là sự khải thị không hề sai trật của ý muốn Thiên Chúa. Thánh Kinh là tiêu chuẩn cho đức hạnh, thước đo của kinh nghiệm, tiếng nói cuối cùng của niềm tin, và là một tài liệu đáng tin cậy về hành động của Thiên Chúa trong lịch sử.

Thánh Kinh là gì?

Thánh Kinh gồm 66 sách, thường được chia làm hai phần: Cựu Ước và Tân Ước. Thiên Chúa ban cho chúng ta Thánh Kinh để bày tỏ ý muốn của Ngài và hướng dẫn chúng ta đến sự cứu rỗi. Thánh Kinh.

  1. là Nguồn của sự thông biết cần yếu cho sự cứu rỗi (2 Ti-mô-thê 3:16, 17)
  2. bày tỏ về giáo lý chân chánh và ý muốn của Thiên Chúa (Giăng 17:17; Ê-sai 8:20)
  3. dạy dỗ để chúng ta được sự trông cậy/hy vọng (Rô-ma 15:4)
  4. ghi lại những gì Chúa đã hành động cho nhân loại, và ghi lại để khuyên bảo chúng ta (1 Cô-rinh-tô 10:11)
  5. Cả Thánh Kinh, Cựu Ước và Tân Ước đều tập trung về Đức Chúa Giê-su (Giăng 5:39, 40; Lu-ca 24:27, 44; Công vụ 17:3; 26:22, 23; 28:23; Giăng 16:13, 14)

Thánh Kinh suy gẫm thêm

Thi thiên 119:81-136; Hê-bơ-rơ 4:12.

Thánh Kinh có gì?

Thánh Kinh được chia ra làm 2 phần: Cựu Ước và Tân Ước. Cựu Ước gồm 39 quyển và Tân Ước gồm 27 quyển, do gần 40 người viết ra. Thời gian viết từ quyển đầu tiên, Sáng thế Ký, đến quyển cuối cùng, Khải Huyền, gần 2000 năm. Dù rằng những người viết chịu ảnh hưởng bởi các nền văn hoá khác nhau, học vấn khác nhau, giai cấp khác nhau, nhưng dưới sự soi dẫn của Đức Chúa Trời tất cả đều hướng về một chủ đề là Đức Chúa Giê-su.

Cựu Ước tiên đoán về Đức Chúa Giê-su là Đấng sẽ đến. Tân Ước nói về Đức Chúa Giê-su là Đấng đã đến. Nếu học Thánh Kinh, dưới sự hướng dẫn của Đức Thánh Linh, chúng ta sẽ thấy đặc tánh của Đức Chúa Giê-su được bày tỏ trong mỗi trang của Thánh Kinh. Tất cả Thánh Kinh đều hướng về Đức Chúa Giê-su và sự cứu rỗi mà Ngài muốn ban cho nhân loại.

Thánh Kinh là sứ điệp không hề sai trật, được Thiên Chúa khải thị cho nhân loại. Vì thế chúng ta phải nghiên cứu Thánh Kinh dưới sự hướng dẫn của Thiên Chúa qua Đức Thánh Linh. Loài người không được phép thêm hay bớt bất cứ điều gì trong Thánh Kinh.

Có một số trường hợp những lời trong Thánh Kinh được Chúa phán đúng từng lời từng chữ. Chẳng hạn như trong trường hợp 10 Điều Răn, chính miệng Chúa phán và chính tay Chúa chép xuống từng lời (Xuất Ê-díp-tô Ký 20:1-17; 31:18; Phục truyền 10:4, 5). Nhưng đa số được Đức Thánh Linh cảm động, Đức Chúa Trời ban cho họ tỏ tường, rồi mỗi người tự ghi chép xuống theo ngôn ngữ hay lối hành văn riêng của mình. Dù rằng mỗi người được tự do bày tỏ theo văn tự của họ, nhưng Đức Chúa Trời chịu trách nhiệm trên mọi chi tiết của Thánh Kinh. Các người thánh của Chúa không phải là ngòi bút của Ngài, nhưng họ là văn sĩ thánh của Ngài.

  1. Thánh Kinh là biểu hiệu cho uy quyền của Thiên Chúa vì được phát xuất từ nơi Ngài (2 Phi-e-rơ 1:20, 21; 2 Sa-mu-ên 23:2).
  2. Con người cần Đức Thánh Linh hướng dẫn để có thể hiểu được Thiên Chúa là Đấng được bày tỏ qua Thánh Kinh (1 Cô-rinh-tô 2:9-14).
  3. Chúng ta cần phải nghiên cứu CẢ Thánh Kinh để tìm lẽ thật (2 Ti-mô-thê 3:16; Lu-ca 24:27, 44)
  4. Nghiên cứu Thánh Kinh mỗi ngày là điều cần thiết để khỏi bị rơi vào sự lừa dối (Công vụ 17:11; Thi thiên 1:1-3; 1 Phi-e-rơ 2:2)

Thánh Kinh suy gẫm thêm

  • Châm ngôn 30:5-6
  • 1 Tê-sa-lô-ni-ca 2:13
  • Khải Huyền 22:18, 19
  • Ê-phê-sô 3:5
  • Đa-ni-ên 2:22
  • A-mốt 3:7
  • Phục truyền 29:29, Hê-bơ-rơ 1:1
  • 2 Phi-e-rơ 3:1, 2

Công tác bảo quản Thánh Kinh

Các tôi tớ trung thành của Chúa với lòng tôn kính, luôn luôn gìn giữ Lời của Ngài. Họ không dám thêm hoặc bớt một điều gì từ nơi Lời của Chúa. Đức Chúa Trời cũng bảo vệ Lời của Ngài.

  1. Các thầy thông giáo hay ký lục khi chép Thánh Kinh phải tuân theo một số quy luật rất khắt khao. Họ phải đếm từng mẫu tự, từng chữ, từng câu, tra xét vị trí của từng chữ trong trang, rồi chép những số đó ra ngoài lề, đem so sánh với bản chính. Cho đến khi thấy những bản sao giống hoàn toàn như bản chính mới cho phổ biến.
  2. Để tránh việc thêm hay bớt vào Thánh Kinh, những bản Thánh Kinh bị cũ mòn, chữ khó đọc, đều được cất vào trong một căn phòng trong nhà hội, cho đến khi đủ số thì được đem chôn hay hỏa thiêu. Vì những thầy thông giáo sợ rằng khi những bản Thánh Kinh nầy lưu hành, người đọc không rõ chữ, sẽ vô tình thêm hay bớt vào những chỗ bị hư mòn của Thánh Kinh.
  3. Ngành Khảo cổ học ngày nay đã chứng minh sự chính xác của Thánh Kinh về giá trị lịch sử cũng như về thời gian. Với những khám phá của các bản cổ cách đây trên 2000 năm, cùng với phương pháp khoa học để đối chiếu, so sánh, gạn lọc, các học giả cho chúng ta biết rằng Thánh Kinh không có gì thay đổi suốt thời gian qua. Ngoại trừ một vài sự biến đổi nhỏ của ngôn ngữ theo thời gian.
  4. Đức Chúa Trời bảo vệ Lời của Ngài một cách diệu kỳ. Một chấm một nét trong Lời Ngài cũng không thể thay đổi được nếu không có ý muốn của Ngài (Ma-thi-ơ 5:18; 24:35; Ê-sai 40:8).

Thánh Kinh suy gẫm thêm

  • Châm ngôn 30:5, 6
  • Khải Huyền 22:18, 19
  • Phục truyền 4:2, 12:32, 8:3
  • Mác 13:31

Đọc Thánh Kinh

Thánh Kinh là một khu rừng rậm. Nếu bạn không được hướng dẫn khi vào khu rừng đó bạn sẽ đi lạc và hoang mang. Sau đây là những đề nghị để bạn lập một thời khoá biểu đọc Thánh Kinh:

  • Bạn nên bắt đầu với các sách Tin Lành trong Tân Ước: sách Giăng trước nhất, rồi đến Ma-thi-ơ, Mác, Lu-ca, 1 Giăng, 2 Giăng, 3 Giăng.
  • Kế đến đọc những sách văn thô trong Tân Ước từ Rô-ma đến Giu-đe.
  • Rồi đọc Châm ngôn, Truyền đạo, Thi thiên trong Cựu Ước.
  • Sau đó bạn đọc Công vụ Các Sứ đồ, Ngũ kinh của Môi-se (Sáng thế Ký đến Phục truyền Luật lệ Ký), các sách lịch sử (Giô-suê đến Ê-xơ-tê).
  • Và cuối cùng đọc các sách tiên tri trong Cựu Ước từ Ê-sai đến Ma-la-chi, Gióp, Nhã Ca và rồi Khải Huyền của Tân Ước.

Áp Dụng Cá Nhân

  1. Vì Thiên Chúa là Đấng Tối Cao trong vũ trụ, đã dành thời gian để khải thị về Ngài cho tôi qua Thánh Kinh, tôi cần phải dành bao nhiêu thời gian mỗi ngày để cầu nguyện và học Lời Ngài? (gợi ý: Bao lâu thì chúng ta ăn một lần)
  2. Tôi nên có thái độ như thế nào khi khám phá được lẽ thật trong Thánh Kinh để cuộc sống tôi phù hợp với ý muốn của Đức Chúa Trời?
  3. Có ai trong vòng bà con thân bằng quyến thuộc của tôi cần biết về Thiên Chúa và chương trình cứu rỗi của Ngài trong Thánh Kinh không?
  4. Tôi có nghĩ rằng đây là một ơn phước lớn lao khi tôi biết rằng Thiên Chúa không để tôi sống trôi dạt không mục đích, không ánh sáng, không phương hướng trong cuộc đời nầy? Tôi có Lời của Ngài để biết rằng Ngài là một người bạn chí thân, là Đấng phù hộ tôi, và qua Thánh Kinh tôi có thể hiểu ý muốn của Ngài cho đời tôi.

Quyết Định

Cảm tạ Chúa vì Ngài đã bày tỏ về Ngài và ý muốn của Ngài qua Thánh Kinh. Con sẽ dò xét từng trang của Thánh Kinh để tìm hiểu lẽ thật của Ngài, và nhờ ân-điển của Ngài để sống mỗi ngày phù hợp với sự dạy dỗ của Thánh Kinh.